Processing math: 100%

Định lý Pascal

Kỳ trước chúng ta đã học về định lý lục giác Pascal. Định lý Pascal nói rằng nếu trên đường cônic chúng ta vẽ một hình lục giác nội tiếp thì ba cặp cạnh đối diện của hình lục giác sẽ cắt nhau tại ba điểm thẳng hàng.

Ví dụ như ở hình dưới đây, chúng ta có một hình lục giác nội tiếp một đường tròn, chúng ta thấy rằng ba giao điểm của ba cặp cạnh đối diện \{12, 45\}, \{23, 56\}, \{34, 61\} của hình lục giác thẳng hàng.

Có một công cụ rất hiệu quả thường dùng để chứng minh các điểm thẳng hàng, đó là định lý Menelaus. Định lý Menelaus phát biểu như sau:

Định lý Menelaus: Cho tam giác ABC và ba điểm A', B', C' lần lượt nằm trên ba đường thẳng BC, CA, AB. Vậy thì ba điểm A', B', C' thẳng hàng khi và chỉ khi \frac{\vec{A'B}}{\vec{A'C}} \times \frac{\vec{B'C}}{\vec{B'A}} \times \frac{\vec{C'A}}{\vec{C'B}} = 1.


Hôm nay chúng ta sẽ dùng định lý Menelaus để chứng minh định lý Pascal cho trường hợp đường tròn.




Khi chúng ta muốn dùng định lý Menelaus để chứng minh ba điểm nào đó thẳng hàng, chúng ta cần tìm một hình tam giác sao cho ba điểm cần chứng minh nằm trên ba cạnh của tam giác này.

Nhìn hình vẽ dưới đây, với lục giác Pascal P_1 P_2 P_3 P_4 P_5 P_6, để chứng minh ba giao điểm M_1, M_2, M_3 thẳng hàng, chúng ta cần tìm một tam giác mà ba giao điểm M_1, M_2, M_3 nằm trên ba cạnh của tam giác đó. Vì các giao điểm M_1, M_2, M_3 nằm trên các cạnh của lục giác nên chúng ta thấy có hai cách chọn khá là tự nhiên. Đó là tam giác ABC, hoặc là tam giác XYZ.

Chẳng hạn, nếu chúng chọn tam giác ABC thì điểm M_1 nằm trên đường thẳng BC, điểm M_2 nằm trên đường thẳng CA và điểm M_3 nằm trên đường thẳng AB. Bây giờ chúng ta cần chứng minh tỷ lệ \frac{\vec{M_1 B}}{\vec{M_1 C}} \times \frac{\vec{M_2 C}}{\vec{M_2 A}} \times \frac{\vec{M_3 A}}{\vec{M_3 B}} = 1. Để tính được các tỷ lệ này, chúng ta sẽ sử dụng định lý Menelaus cho các bộ điểm thẳng hàng sau: \{M_1, P_5, P_6\}, ~~\{M_2, P_3, P_4\}, ~~\{M_3, P_1, P_2\}.
Bây giờ chúng ta sẽ viết cụ thể cách chứng minh.


Chứng minh Định lý Pascal

Chúng ta sẽ sử dụng định lý Menelaus cho tam giác ABC.

Vì ba điểm M_1, M_2, M_3 nằm trên ba cạnh của tam giác ABC nên để chứng minh chúng thẳng hàng chúng ta cần chứng minh \frac{\vec{M_1 B}}{\vec{M_1 C}} \times \frac{\vec{M_2 C}}{\vec{M_2 A}} \times \frac{\vec{M_3 A}}{\vec{M_3 B}} = 1.
Thật vậy, sử dụng định lý Menelaus cho tam giác ABC với các bộ ba điểm thẳng hàng \{M_1, P_6, P_5\}, ~~\{M_2, P_4, P_3\}, ~~\{M_3, P_2, P_1\}, chúng ta có \frac{\vec{M_1 B}}{\vec{M_1 C}} \times \frac{\vec{P_6 C}}{\vec{P_6 A}} \times \frac{\vec{P_5 A}}{\vec{P_5 B}} = \frac{\vec{M_2 C}}{\vec{M_2 A}} \times \frac{\vec{P_4 A}}{\vec{P_4 B}} \times \frac{\vec{P_3 B}}{\vec{P_3 C}} = \frac{\vec{M_3 A}}{\vec{M_3 B}} \times \frac{\vec{P_2 B}}{\vec{P_2 C}} \times \frac{\vec{P_1 C}}{\vec{P_1 A}} = 1. Do đó \frac{\vec{M_1 B}}{\vec{M_1 C}} = \frac{\vec{P_6 A}}{\vec{P_6 C}} \times \frac{\vec{P_5 B}}{\vec{P_5 A}}, ~~~\frac{\vec{M_2 C}}{\vec{M_2 A}} = \frac{\vec{P_4 B}}{\vec{P_4 A}} \times \frac{\vec{P_3 C}}{\vec{P_3 B}}, ~~~\frac{\vec{M_3 A}}{\vec{M_3 B}} = \frac{\vec{P_2 C}}{\vec{P_2 B}} \times \frac{\vec{P_1 A}}{\vec{P_1 C}}. Từ đó, chúng ta có \frac{\vec{M_1 B}}{\vec{M_1 C}} \times \frac{\vec{M_2 C}}{\vec{M_2 A}} \times \frac{\vec{M_3 A}}{\vec{M_3 B}} = \frac{\vec{P_6 A}}{\vec{P_6 C}} \times \frac{\vec{P_5 B}}{\vec{P_5 A}} \times \frac{\vec{P_4 B}}{\vec{P_4 A}} \times \frac{\vec{P_3 C}}{\vec{P_3 B}} \times \frac{\vec{P_2 C}}{\vec{P_2 B}} \times \frac{\vec{P_1 A}}{\vec{P_1 C}} = \frac{\vec{A P_1} ~\vec{A P_6}}{\vec{A P_4} ~\vec{A P_5}} \times \frac{\vec{B P_4} ~\vec{B P_5}}{\vec{B P_2} ~\vec{B P_3}} \times \frac{\vec{C P_2} ~\vec{C P_3}}{\vec{C P_1} ~\vec{C P_6}} = 1.
Phương tích: \vec{A P_1} ~\vec{A P_6} = \vec{A P_4} ~\vec{A P_5}; \vec{B P_4} ~\vec{B P_5} = \vec{B P_2} ~\vec{B P_3}; \vec{C P_2} ~\vec{C P_3} = \vec{C P_1} ~\vec{C P_6}.

Đẳng thức cuối cùng ở trên là nhờ sử dụng phương tích của các điểm A, B, C đối với đường tròn ngoại tiếp hình lục giác. Và như vậy chúng ta chứng minh xong định lý Pascal.



Hôm nay nhờ sử dụng một cách linh hoạt định lý Menelaus chúng ta đã chứng minh xong định lý Pascal. Định lý Menelaus là một trong những công cụ rất hiệu quả dùng để chứng minh các điểm thẳng hàng. Các bạn hãy dùng định lý Menelaus để chứng minh định lý Pappus xem thử có được không nhé!
định lý Pappus

Xin hẹn gặp lại các bạn ở kỳ sau.





Bài tập về nhà.

1. Chứng minh định lý Pascal bằng cách áp dụng định lý Menelaus cho tam giác XYZ.



2. Chứng minh định lý Pappus.