Processing math: 100%

Dãy số - Phần 5


Hôm nay chúng ta sẽ làm một số bài tập để rèn luyện kỹ năng giải phương trình sai phân tuyến tính.



Giả sử chúng ta cần tìm công thức cho dãy số \{f_n\} thõa mãn phương trình sai phân a_k f_{n} + a_{k-1} f_{n-1} + a_{k-2} f_{n-2} + \dots + a_0 f_{n-k}=0 với điều kiện ban đầu là những giá trị của f_0, f_1, \dots, f_{k-1}, chúng ta sẽ giải bằng hai bước sau đây.

Bước 1. Giải phương trình sai phân.
Tạo phương trình đặc trưng a_k x^k + a_{k-1} x^{k-1} + \dots + a_1 x + a_0=0 và tìm nghiệm của nó
a_k x^k + a_{k-1} x^{k-1} + \dots + a_1 x + a_0=a_k(x - x_1)^{j_1} (x - x_2)^{j_2} \dots (x - x_t)^{j_t}.
Giả sử phương trình đặc trưng có t nghiệm x_1, \dots, x_t, trong đó x_1 là nghiệm bội bậc j_1, x_2 là nghiệm bội bậc j_2, v.v... Vậy thì với mọi hằng số \alpha_{ij}, dãy số f_n = (\alpha_{11} + \alpha_{12} n + \dots + \alpha_{1 j_1} n^{j_1 - 1}) ~ x_1^n + (\alpha_{21} + \alpha_{22} n + \dots + \alpha_{2 j_2} n^{j_2 - 1}) ~ x_2^n + \dots + (\alpha_{t1} + \alpha_{t2} n + \dots + \alpha_{t j_t} n^{j_t - 1}) ~ x_t^n thõa mãn phương trình sai phân a_k f_{n} + a_{k-1} f_{n-1} + a_{k-2} f_{n-2} + \dots + a_0 f_{n-k}=0. 
Bước 2. Giải quyết các điều kiện ban đầu.
Thay các giá trị của f_0, f_1, \dots, f_{k-1} vào biểu thức của f_n để lập một hệ phương trình cho các hệ số \alpha_{ij} rồi giải hệ phương trình này.


Bây giờ chúng ta làm vài bài tập.


Bài toán 1: Tìm công thức tổng quát cho dãy số sau  f_0 = 5, ~f_1 = 9, ~f_n = 6 f_{n-1} - 9 f_{n-2}.

Lời giải: Từ phương trình sai phân f_n - 6 f_{n-1} + 9 f_{n-2}=0 chúng ta có phương trình đặc trưng x^2 - 6 x + 9 = 0. Giải phương trình này chúng ta có x^2 - 6 x + 9 = (x-3)^2= 0, tức là một nghiệm bội x = 3 bậc 2. Vậy chúng ta tìm dãy số có dạng f_n = (\alpha_{11} + \alpha_{12} ~n )~ 3^n. Với n=0,1, chúng ta có f_0 = \alpha_{11} = 5, f_1 = (\alpha_{11} + \alpha_{12}) ~3 = 9. Giải hệ phương trình này chúng ta có \alpha_{11} = 5\alpha_{12} = -2. Từ đó chúng ta có f_n = (5 - 2n) ~3^n.



Bài toán 2: Tìm công thức tổng quát cho dãy số sau  f_0 = 1, ~f_1 = 5, ~f_2 = 22, ~f_n = 8 f_{n-1} - 21 f_{n-2} + 18 f_{n-3}.

Lời giải: Từ phương trình sai phân f_n - 8 f_{n-1} + 21 f_{n-2}- 18 f_{n-3}=0 chúng ta có phương trình đặc trưng x^3 - 8 x^2 + 21 x - 18 = 0. Giải phương trình này chúng ta có x^3 - 8 x^2 + 21 x - 18 = (x-2)(x-3)^2= 0. Vậy chúng ta tìm dãy số có dạng f_n = \alpha_{11} ~ 2^n + (\alpha_{21} + \alpha_{22} ~n )~ 3^n. Với n=0,1,2, chúng ta có f_0 = \alpha_{11} + \alpha_{21} = 1, f_1 = 2 \alpha_{11} + 3 \alpha_{21} + 3 \alpha_{22} = 5, f_2 = 4 \alpha_{11} + 9 \alpha_{21} + 18 \alpha_{22} = 22. Giải hệ phương trình này chúng ta có \alpha_{11} = 1, \alpha_{21}=0\alpha_{22} = 1. Từ đó chúng ta có f_n = 2^n + n ~3^n.



Bài toán 3: Tìm công thức tổng quát cho dãy số sau  f_0 = 5, ~f_1 = 1, ~f_2 = 11, ~f_3 = 11, ~f_n = 2 f_{n-1} - 2 f_{n-3} + f_{n-4}.

Lời giải: Từ phương trình sai phân f_n - 2 f_{n-1} + 2 f_{n-3}- f_{n-4}=0 chúng ta có phương trình đặc trưng x^4 - 2 x^3 + 2x - 1 = 0. Giải phương trình này chúng ta có x^4 - 2 x^3 + 2x - 1 = (x+1) (x-1)^3 = 0. Vậy chúng ta tìm dãy số có dạng f_n = \alpha_{11} ~ (-1)^n + (\alpha_{21} + \alpha_{22} ~n + \alpha_{23} ~n^2) ~1^n. Với n=0,1,2,3, chúng ta có f_0 = \alpha_{11} + \alpha_{21} = 5, f_1 = - \alpha_{11} + \alpha_{21} + \alpha_{22} + \alpha_{23} = 1, f_2 = \alpha_{11} + \alpha_{21} + 2 \alpha_{22} + 4 \alpha_{23} = 11, f_3 = - \alpha_{11} + \alpha_{21} + 3 \alpha_{22} + 9 \alpha_{23}= 11. Giải hệ phương trình này chúng ta có \alpha_{11} = 3, \alpha_{21}=2, \alpha_{22} = 1\alpha_{23} = 1. Từ đó chúng ta có f_n = 3 (-1)^{n} + 2 + n + n^2 .




Bài toán 4: Tìm công thức truy hồi cho dãy số f_n = n ~3^n.

Lời giải: Phương trình đặc trưng phải có dạng (x-3)^2 = x^2 - 6 x + 9 = 0. Từ đó suy ra phương trình sai phân là f_n - 6 f_{n-1} + 9 f_{n-2} = 0. Kết hợp với điều kiện ban đầu chúng ta có công thức truy hồi f_0= 0, ~f_1 = 3, ~f_n = 6 f_{n-1} - 9 f_{n-2}.





Bài toán 5: Tìm công thức truy hồi cho dãy số f_n = (2n + 1) 3^n - 2^n.

Lời giải: Phương trình đặc trưng phải có dạng (x-2)(x-3)^2 = x^3 - 8 x^2 + 21 x - 18 = 0. Từ đó suy ra phương trình sai phân là f_n - 8 f_{n-1} + 21 f_{n-2}- 18 f_{n-3}=0. Kết hợp với điều kiện ban đầu chúng ta có công thức truy hồi f_0= 0, ~f_1 = 7, ~f_2 = 41, ~f_n = 8 f_{n-1} - 21 f_{n-2} + 18 f_{n-3}.


Bài toán 6: Tìm công thức truy hồi cho dãy số f_n = n^2 + n + (-1)^n.

Lời giải: Chúng ta có f_n = (n^2 + n) ~ 1^n + (-1)^n, do đó phương trình đặc trưng phải có dạng (x+1) (x-1)^3 = x^4 - 2 x^3 + 2x - 1 = 0. Từ đó suy ra phương trình sai phân là f_n - 2 f_{n-1} + 2 f_{n-3}- f_{n-4} = 0. Kết hợp với điều kiện ban đầu chúng ta có công thức truy hồi f_0= 1, ~f_1 = 1, ~f_2 = 7, ~f_3 =11 , ~f_n = 2 f_{n-1} - 2 f_{n-3} + f_{n-4}.




Bài toán 7: Tìm công thức truy hồi cho dãy số f_n = (2n + 1) (-1)^n + (n-1) ~2^n.

Lời giải: Phương trình đặc trưng phải có dạng (x+1)^2 (x-2)^2 = x^4 - 2 x^3 - 3 x^2 + 4x + 4 = 0. Từ đó suy ra phương trình sai phân là f_n - 2 f_{n-1} - 3 f_{n-2} + 4 f_{n-3} + 4 f_{n-4} = 0. Kết hợp với điều kiện ban đầu chúng ta có công thức truy hồi f_0= 0, ~f_1 = -3, ~f_2 = 9, ~f_3 =9 , ~f_n = 2 f_{n-1}  + 3 f_{n-2} - 4 f_{n-3} - 4 f_{n-4}.



Chúng ta tạm dừng ở đây, hẹn gặp lại các bạn ở các kỳ sau nhé.



Bài tập về nhà.


1. Tìm công thức tổng quát cho dãy số sau  f_0 = 3, ~f_1 = 6, ~f_n = 4 f_{n-1} - 4 f_{n-2}.

2. Tìm công thức tổng quát cho dãy số sau  f_0 = 0, ~f_1 = 9, ~f_n = 6 f_{n-1} - 9 f_{n-2}.

3. Tìm công thức tổng quát cho dãy số sau  f_0 = 0, ~f_1 = 1, ~f_2 = 5, ~f_n = 8 f_{n-1} - 21 f_{n-2} + 18 f_{n-3}.

4. Tìm công thức tổng quát cho dãy số sau  f_0 = 1, ~f_1 = 0, ~f_2 = 3, ~f_3 = 2, ~f_n = 2 f_{n-1} - 2 f_{n-3} + f_{n-4}.

5. Tìm công thức truy hồi cho dãy số f_n = n~ 2^n.

6. Tìm công thức truy hồi cho dãy số f_n = 2n^3 - n^2 + 3n -1.


Đáp số.

1. f_n = 3 \times 2^n

2. f_n = n \times 3^{n+1}

3. f_n = 3^n - 2^n

4. f_n = (-1)^{n} + n